NC và PP điều trị mới
  • Bệnh gút và tăng acid uric trong máu

    Bệnh gút là một tình trạng y khoa được đặc trưng bởi tăng mức acid uric một cách bất thường trong máu, những đợt viêm khớp tái phát, lắng đọng những tinh thể acid uric cứng trong và quanh khớp, giảm chức năng thận và sỏi thận.

    Bệnh gút là một tình trạng y khoa được đặc trưng bởi tăng mức acid uric một cách bất thường trong máu, những đợt viêm khớp tái phát, lắng đọng những tinh thể acid uric cứng trong và quanh khớp, giảm chức năng thận và sỏi thận.

    1. Đại cương

    - Bệnh gút có đặc điểm duy nhất là một trong những bệnh được chẩn đoán thường xuyên qua khai thác bịnh sử. Nó thường liên quan đến di truyền về một sự bất thường trong quá trình xử lý acid uric trong cơ thể con người. Acid uric là sản phẩm phân hủy của purines có trong thức ăn. Một sự di chuyển bất thường của acid uric có thể gây ra viêm đau khớp (cơn gút), sỏi thận, và tắc những ống lọc trong thận (do những tinh thể acid uric) dẫn đến suy thận. Nói một cách khác bịnh nhân có thể có tăng acid uric trong máu nhưng không có viêm khớp hoặc vấn đề về thận. Chữ gút thường được sử dụng liên quan với những cơn viêm đau khớp.
    - Viêm đau khớp do gút thường là một cơn đau dữ dội với sự khởi phát nhanh của viêm khớp. Viêm khớp do sự kết tủa của những tinh thể lắng đọng acid uric trong dịch khớp và bao khớp. Viêm khớp xảy ra rất trầm trọng khi những bạch cầu làm lắng đọng những tinh thể acid uric và phóng thích những chất viêm gây đau, nóng và đỏ của khớp

    2. Đối tượng ảnh hưởng

    - Xấp xỉ khoảng 1 triệu người Mỹ bị những cơn gút. Tỉ lệ nam:nữ là 9:1. Ở nam bịnh gia tăng sau tuổi dậy thì và đạt đỉnh điểm ở tuổi 75. Ở nữ thì thường xảy ra sau mãn kinh.

    3. Những yếu tố nguy cơ đối với viêm khớp trong bệnh gút?

    - Ngoài yếu tố vận chuyển bất thường acid uric trong máu là do di truyền, những yếu tố khác là béo phì, quá trọng, đặc biệt là những người trẻ, uống rượu trung bình đến nặng, cao huyết áp và chức năng thận bất thường. Những thuốc như lợi tiểu thiazide, aspirin liều thấp, niacin, cycloporine, thuốc lao (pyrazinamide và ethambutol) và những thuốc khác cũng làm tăng cao acid uric trong máu và dẫn đến bịnh gút. Hơn nữa, những bịnh mà dẫn đến sự tạo thành acid uric thái quá trong cơ thể, ví dụ như bịnh bạch cầu, lymphoma, và những rối loạn về hemoglobin cũng có nguy cơ xuất hiện gút.
    Một điều lý thú là những nghiên cứu mới đây chứng minh có sự gia tăng những người bị gút có mức hocmon tuyến giáp thấp.
    - Trong những bịnh nhân với nguy cơ phát triển bịnh gút, những trạng thái dự đoán những cơn gút cấp. Ðó là tình trạng mất nước, chấn thương khớp, sốt, lặn lâu, uống nhiều rượu, và mới phẫu thuật. Những cơn gút khởi phát bởi phẫu thuật mới đây có thể liên quan với những thay đổi về cân bằng dịch trong cơ thể do quá trình uống nước không liên tục trong việc chuẩn bị và sau phẫu thuật.

    4. Triệu chứng của bệnh gút?

    Khớp bàn-ngón chân cái là vị trí thường gặp nhất trong những cơn gút cấp. Những khớp khác cũng bị ảnh hưởng bao gồm cổ chân, đầu gối, cổ tay, ngón tay, khuỷu. Cơn gút cấp được đặc trưng bởi việc khởi phát nhanh những cơn đau trong những khớp bị ảnh hưởng, sau đó là sưng nóng, đỏ và đau. Ðau rất khủng khiếp vì thế ngay cả việc đắp mền ở vùng da có khớp viêm cũng không thể được. Người bịnh có thể có sốt trong cơn gút cấp. Những cơn đau này thường lui dần và khỏi dù có hoặc không dùng thuốc. Trong những trường hợp hiếm, cơn gút có thể kéo dài vài tuần. Ða số những bịnh nhân gút sẽ bị những cơn gút tái phát qua nhiều năm.
    - Những tinh thể acid uric có thể lắng đọng trong những túi nhỏ, dịch quanh khớp. Những tinh thể urat này có thể kích thích trong bao khớp dẫn đến đau và sưng quanh khớp, được gọi là viêm bao khớp. Trong những trường hợp hiếm, gút dẫn đến một kiểu viêm khớp mãn giống như viêm đa khớp dạng thấp.
    -Trong bệnh gút mãn, có những nốt do tinh thể acid uric lắng đọng (tophi) trong những vùng mô mềm khác nhau của cơ thể. Chúng thường được tìm thấy nhất là những nốt cứng tròn quanh ngón tay, ở đầu khuỷu và quanh ngón cái, nhưng tophi có thể xuất hiện bất cứ nơi đâu trong cơ thể. Chúng cũng được tìm thấy trong những vùng ít gặp như tai, dây thanh âm, hoặc hiếm hơn là quanh tủy sống.

    5. Viêm khớp trong bệnh gút được chẩn đoán như thế nào ?

    - Gút được nghi ngờ khi bịnh nhân khai có những cơn viêm đau khớp lập đi lập lại ở khớp bàn ngón. Kế đó là khớp cổ chân và gối. Gút thường chỉ bị mỗi lần một khớp trong khi ở những bệnh khác như lupus, viêm đa khớp dạng thấp, thường bị nhiều khớp cùng một lúc.
    - Test có giá trị nhất trong gút là xét nghiệm tinh thể acid uric lấy được khi chọc khớp. Chọc khớp được làm với gây tê tại chỗ, kỹ thuật vô trùng, dịch khớp được rút ra từ khớp viêm bằng cách sử dụng kim chích. Sau đó tìm tinh thể acid uric trong dịch khớp và tìm vi trùng. Những tinh thể acid uric giống như cây kim, óng ánh được tìm thấy dưới kính hiển vi có ánh sáng cực tím. Nó cũng được chẩn đoán bằng tìm thấy những tinh thể urate từ những chất lấy ra ở tophi và bao khớp viêm.
    Một số bịnh nhân có tiền sử và triệu chứng của gút có thể được điều trị thành công và được chẩn đoán là gút mà không cần chọc khớp. Tuy nhiên, cần làm test để có chẩn đoán xác định vì có nhiều tình trạng viêm khớp giống gút. Nó bao gồm viêm khớp do những tinh thể khác gọi là giả gút, viêm khớp trong bịnh vẩy nến, viêm đa khớp dạng thấp và ngay cả nhiễm trùng.
    - X-quang đôi khi có ích và có thể chỉ ra sự lắng đọng những tinh thể tophi và tổn thương xương do viêm khớp nhiều lần. X-quang cũng có tác dụng theo dõi những ảnh hưởng của gút mãn tính lên khớp.

    6. Bệnh gút được điều trị ra sao ?

    - Việc ngăn ngừa những cơn gút cấp cũng quan trọng như việc điều trị viêm khớp cấp. Việc ngăn ngừa gút cấp liên quan với việc duy trì đủ dịch nhập, giảm cân, thay đổi chế độ ăn, giảm uống ruợu, và dùng thuốc giảm acid uric.
    - Duy trì việc nhập nước đầy đủ cũng giúp ngăn ngừa những cơn gút cấp. Cung cấp dịch đầy đủ cũng giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận trong những bịnh nhân gút. Rượu có tính lợi tiểu làm cho bịnh nhân mất nước mà điều này góp phần tạo ra cơn gút cấp. Rượu cũng ảnh hưởng đến chuyển hóa acid uric và gây ra tăng acid uric.
    Những thay đổi trong chế độ ăn giúp làm giảm acid uric trong máu. Vì purin bị biến đổi thành uric nên tránh những thức ăn có purin. Những thức ăn có nhiều purin bao gồm những loại giáp xác ( tôm, cua…), gan, não, thận động vật và bánh mì ngọt.
    - Giảm cân có thể giúp ích trong việc giảm những đợt gút tái phát. Cách tốt nhất cho việc này là giảm chế độ ăn mỡ và thu nạp năng lượng kết hợp với chương trình tập thể dục đều đặn.
    - Thuốc điều trị gút có 3 mặt. Ðầu tiên, thuốc giảm đau như acetaminophen (paracetamol) hoặc những thuốc giảm đau mạnh hơn được dùng. Thứ 2, thuốc kháng viêm như NSAIDS, colchicine, và corticosteroids được dùng để giảm viêm. Cuối cùng, thuốc làm phá vỡ sự chuyển hóa gây tăng acid uric và gút. Ðiều này có nghĩa là điều trị sao cho giảm acid uric trong máu.
    - NSAIDS như indomethacin (Indocin) và naproxen(Naprosyn) là thuốc kháng viêm có hiệu quả trong gút cấp. Những thuốc này được giảm liều sau khi giải quyết viêm khớp. Tác dụng phụ bao gồm khó chịu bao tử, loét, ngay cả xuất huyết đường tiêu hóa. Những bịnh nhân có tiền sử dị ứng với aspirin hoặc polyp mũi nên tránh dùng thuốc NSAIDS vì sẽ có nguy cơ phản ứng phản vệ.
    - Colchicine được dùng trong bịnh gút, thường bằng đường uống nhưng cũng có thể được cho bằng đường tĩnh mạch. Thuốc uống được cho mỗi một hoặc hai giờ cho đến khi cải thiện được triệu chứng hoặc bịnh nhân có tác dụng phụ như tiêu chảy nặng. Những tác dụng phụ thường khác của colchicine là buồn nôn và ói.
    - Corticosteroids như prednisone là thuốc kháng viêm mạnh được dùng trong thời gian ngắn đối với bịnh gút. Chúng có thể cho trực tiếp bằng đường uống hoặc chích vào khớp viêm. Nó có thể cho với những bịnh nhân có vấn đề về thận, gan hay đường tiêu hóa. Sử dụng lâu dài corticosteroids thì không được khuyến khích vì tác dụng phụ trầm trọng của nó.
    - Cùng với thuốc điều trị những cơn gút cấp thì những thuốc khác được dùng trong một thời kỳ dài để giảm mức acid uric. Hạ thấp mức acid uric trong máu là giảm nguy cơ gút tái phát, sỏi thận, bịnh thận cũng như giải quyết sự lắng đọng thành tophi.Thuốc làm thấp acid uric trong máu bằng cách hoặc làm tăng bài tiết nó qua thận hoặc làm giảm tạo thành acid uric từ purin trong thức ăn. Vì một số bịnh nhân có acid uric trong máu tăng nhưng không phát triển những cơn gút hoặc sỏi thận, vì thế có điều trị kéo dài với thuốc hạ thấp acid uric hay không tùy theo từng cá nhân cụ thể.
    - Probenecid (Benemid) và sulfinpyrazone (Anturane) là thuốc thường được dùng để giảm acid uric bằng cách tăng thải acid uric qua thận. Trong một số trường hợp hiếm thì thuốc này có thể gây sỏi thận vì thế nó nên tránh dùng trong những bịnh nhân có tiền sử bị sỏi thận. Khi uống thuốc này nên uống thêm nhiều nước nhằm giúp thoát nhanh của acid uric ra khỏi đường niệu, tránh hình thành sỏi.
    - Allopurinol(Zyloprim) hạ thấp acid uric trong máu bằng cách ngăn hình thành acid uric. Nó ngăn chặn việc biến đổi purin trong thức ăn thành acid uric. Những thuốc này nên cẩn thận trong những bịnh nhân có chức năng thận kém cũng như có nguy cơ phát triển phản ứng phụ như mẫn đỏ và tổn thương gan.
    - Những thuốc hạ thấp acid uric như allopurinol (Zyloprim) tránh dùng cho những bịnh nhân đang có cơn gút cấp (trừ khi họ đang dùng nó rồi). Vì người ta chưa biết tại sao khi dùng thuốc này trong cơn cấp thì làm tình trạng viêm khớp trở nên tệ hơn. Tuy nhiên, những thuốc làm hạ acid uric trong máu thường dùng lúc tình trạng viêm khớp cấp đã được giải quyết. Còn nếu bịnh nhân đang dùng thuốc này rồi thì họ nên được duy trì ở liều đang dùng trong suốt thời gian có cơn gút cấp. Trong một số bịnh nhân tăng liều thuốc hạ thấp acid uric có thể thúc đẩy cơn gút cấp. Ở một số bịnh nhân giảm liều colchicine có thể ngăn ngừa được cơn gút cấp.
    - Những cách làm tại nhà giúp giảm triệu chứng của cơn gút cấp bao gồm nghỉ ngơi, nâng cao chi có khớp bị viêm. Chườm đá có thể giúp giảm đau và giảm viêm. Bịnh nhân nên tránh dùng những thuốc có chứa aspirin vì chúng ngăn ngừa tiết acid uric.

    7. Tương lai đối với bệnh gút và tăng acid uric trong máu ra sao ?

    - Nhiều nghiên cứu đang tiếp tục phát triển trong nhiều lãnh vực liên quan với gút và tăng acid uric trong máu. Mới đây những nhà khoa học cho rằng, ăn nhiều protit động vật làm tăng nhẹ nguy cơ bịnh gút. Những nghiên cứu khác thì cho rằng chế độ ăn nhiều canxi giúp tránh được những cơn gút. Những thuốc mới làm gia tăng thải acid uric trong nước tiểu (như benzbromarone) đang được đánh giá trong những thử nghiệm lâm sàng trên bịnh nhân. Việc áp dụng những thuốc này để điều trị những cơn gút cấp và mãn thì vẫn còn cần phải nghiên cứu thêm nữa. Những nhà khoa học sẽ tiếp tục phát triển các thuốc ít độc và hiệu quả hơn trong việc chống lại căn bệnh do "trừng phạt của tuổi tác gây ra" này.

     



    8. Tóm lược về bệnh gút và tăng acid uric trong máu.

    Viêm đau khớp của bịnh gút do sự lắng đọng những tinh thể acid uric trong mô khớp.
    Xu hướng phát triển gút và tăng acid uric trong máu là do di truyền.
    Gút và tăng acid uric có thể được thúc đẩy bởi béo phì, lên cân, uống rượu, cao huyết áp, bất thường về chức năng thận, và thuốc.
    Cơn viêm khớp do thuốc có thể bị thúc đẩy bởi sự mất nước, chấn thương, sốt, ăn nhiều, uống nhiều rượu hoặc mới được phẫu thuật.
    Hầu hết những test chẩn đoán xác định gút là tìm ra những tinh thể acid uric trong khớp, dịch và mô cơ thể.
    Ðiều trị những cơn viêm khớp do gút khác với điều trị tăng acid uric trong máu.
    Cơn gút cấp thường xảy ra sau bữa ăn có quá nhiều thịt (nhất là loại có nhiều purin như thịt chó, nội tạng), sau khi uống nhiều rượu. Cảm xúc mạnh, lao động nặng, đi lại nhiều, chấn thương (kể cả chấn thương nhỏ như đi giày chật), nhiễm khuẩn... cũng là những yếu tố làm cơn đau xuất hiện.
    Cơn gút cấp tính là một trong các biểu hiện lâm sàng của bệnh gút - một bệnh xảy ra do rối loạn chuyển hóa axit uric trong cơ thể, làm tăng nồng độ axit uric trong máu, dẫn đến lắng đọng natri urat trong khớp, thận và tổ chức dưới da, gây đau. Cơn gút cấp tính lần đầu thường xảy ra ở lứa tuổi 35-55, hay gặp ở nam giới. Nó đến đột ngột vào ban đêm, gây đau khớp, đa số là khớp bàn - ngón chân cái. Khớp sưng to, đỏ, phù nề, căng bóng, nóng, đau dữ dội và tăng dần, va chạm nhẹ cũng rất đau, thay đổi mọi tư thế đều không dịu đi.

     


    Cơn đau kéo dài nhiều ngày, thường là 5-7 ngày, sau đó các dấu hiệu của viêm giảm dần. Trong cơn đau, người bệnh có thể sốt vừa hoặc sốt nhẹ, mệt mỏi, nước tiểu ít và đỏ. Cơn gút cấp tính dễ tái phát, thông thường 1-2 cơn mỗi năm, sau đó khoảng cách giữa các cơn ngắn lại, nhưng cũng có thể tới trên 10 năm mới tái phát.
    Trong điều trị bệnh gút, chế độ ăn rất quan trọng; trong mọi bữa đều không nên ăn quá mức. Với những người đã tăng axit uric (trên 70 mg/l), cần tránh những bữa ăn có quá nhiều purin, người béo phải dùng chế độ giảm calo. Không uống rượu, uống nhiều nước (2-4 lít/ngày), nhất là loại nước có nhiều bicarbonat như nước khoáng.
    Khi bị cơn gút cấp tính, phải dùng ngay thuốc chống viêm. Thuốc có hiệu lực tốt nhất là colchicin, uống 1 viên 1 mg x 2-3 lần trong ngày đầu (tối đa 4 viên); 1 viên x 2 lần trong ngày thứ hai và 1 viên/ngày trong 3 ngày tiếp theo. Liều duy trì để tránh cơn tái phát là 1 viên mỗi ngày, uống trong 3 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc dài hơn. Những người suy gan, suy thận, suy tủy xương cần thận trọng khi dùng thuốc và phải được sự theo dõi chặt chẽ của thày thuốc.
    Ngoài colchicin, có thể dùng phenylbutazon hoặc indomethacin tuy chúng tác dụng có kém hơn. Những thuốc này cũng có tác dụng phụ không tốt, cần được thày thuốc hướng dẫn cụ thể.

    9. Cơn Gout cấp tính

    - Trong khi tăng acid uric chỉ ra có liên quan đến tăng nguy cơ về gút, nhưng mối liên hệ giữa 2 yếu tố này chưa rõ ràng. Nhiều bịnh nhân có tăng acid uric nhưng không phát triển gút trong khi những người khác có gút tái đi tái lại nhiều lần nhưng không có tăng acid uric trong máu. Dân số nam của Mỹ có đến 10% là tăng acid uric trong máu. Tuy nhiên, chỉ một số nhỏ những bịnh nhân này bị gút.

    10. Bệnh gout và cách điều trị

    Dùng thuốc và các nhóm thuốc
    Việc điều trị bệnh nhằm mục đích làm giảm đau giảm viêm ( khi viêm cấp) giảm và duy trì lượng acid uric máu ở mức bình thường ( acid uric ở dưới 360 mmol/l) để khỏi tái phát viêm khớp, bảo vệ thận khỏi sỏi thận và suy chức năng thận.

    Điều trị phòng ngừa đợt gout cấp:

    Khi sử dụng dự phòng bằng colchicine có thể làm giảm đợt cấp xuống 85%. Liều dự phòng colchicine tiêu chuẩn là 0,6mg ngày 2 lần. Khi suy thận cần giảm liều hoặc dùng cách nhật.
    Bệnh nhân có thể phòng tránh một đợt gout cấp bằng cách uống một viên colchicine duy nhất khi xuất hiện triệu chứng đau đầu tiên.

    Nếu so sánh với 80% bệnh nhân có nguy cơ tác dụng phụ trên đường tiêu hóa khi dùng colchicin cho đợt gout cấp, thì liều lượng colchicine dự phòng chỉ gây tác dụng phụ trên 4% bệnh nhân mà thôi.
    Sử dụng colchicine kéo dài có thể dẫn đến yếu cơ kết hợp với tăng creatine kinase do thuốc gây bệnh lý thần kinh cơ, đặc biệt ở những bệnh nhân suy thận.
    Colchicine không được dùng khi độ lọc cầu thận (GFR) dưới 10 ml/phút, và nên giảm liều xuống ít nhất một nửa khi GFR thấp hơn 50 ml/phút.
    Colchicine cũng nên tránh dùng ở bệnh nhân rối loạn chức năng gan, tắc mật và tiêu chảy nhiều.

    Điều trị bằng colchicine đơn độc có thể phòng ngừa những đợt gout cấp nhưng không ngăn cản được việc tích lũy acid uric trong các khớp có thể dẫn đến việc phá hủy khớp sau này.
    Nếu bệnh nhân không dùng được colchicine, có thể thay thế bằng NSAID để dự phòng, ví dụ indomethacin, 25mg ngày 2 lần.
    Thuốc chống viêm giảm đau (khi viêm cấp): Các thuốc kháng viêm giảm đau chỉ dùng khi có cơn viêm khớp, nhằm cắt cơn viêm càng sớm càng tốt!
    Các thuốc kháng viêm không steroid(NSAID): Là thuốc được dùng ở các bệnh nhân không có những bệnh khác đi kèm.

    Indomethacin là chọn lựa kinh điển nhưng tránh dùng cho bệnh nhân lớn tuổi, vì thường gây những tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương. Tuy nhiên, có thể dùng hầu hết các loại NSAIDS. Nên chọn loại thuốc có tác dụng nhanh, nhưng không nên dùng aspirin vì nó làm thay đổi lượng acid uric, kéo dài và làm tăng cường độ đợt gout cấp. Các thuốc ức chế Cyclooxygenase-2 (COX-2) cũng đem lại kết quả điều trị tốt.

    Khởi đầu với liều cao trong 2-3 ngày rồi giảm liều dần xuống trong vòng 2 tuần. Bệnh nhân phải hết đau ít nhất 2 ngày trước khi ngưng NSAIDS.

    Chú ý: Tránh dùng NSAIDS trên bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày tá tràng hoặc xuất huyết tiêu hoá, bệnh nhân suy thận, bệnh nhân rối loạn chức năng gan, bệnh nhân đang dùng coumarin (có thể thay thế bằng thuốc ức chế COX-2), và những bệnh nhân nặng ở khoa săn sóc đặc biệt có nguy cơ viêm dạ dày do stress.

    Các thuốc Corticoids:
    Có thể sử dụng cho những bệnh nhân không dùng được NSAIDS hoặc colchicine. Một số chuyên gia khớp học khuyên dùng corticoids thay vì NSAIDS trong điều trị gout cấp. Corticoids có thể dùng đường uống, tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, tiêm nội khớp, hoặc dùng gián tiếp qua trung gian hormon adrenocorticotropic (ACTH). Dùng corticoids tiêm không mang lại ưu điểm nào hơn trừ trường hợp bệnh nhân không thể dùng được thuốc uống.

    Tiêm corticoids nội khớp đặc biệt hữu ích khi bệnh nhân chỉ đau ở một khớp để tránh tác dụng toàn thân của corticoids uống. Cần đảm bảo là không có tình trạng nhiễm trùng khớp trước khi tiêm nội khớp.
    Có thể dùng ACTH liều 40 IU tiêm bắp để thúc đẩy sự sản xuất corticoid bằng chính tuyến thượng thận của bệnh nhân. Dùng thuốc này không cần giảm liều từ từ như đối với prednisone.

    Thuốc giảm axit uric máu:

    - Thuốc làm giảm acid uric máu (như allopurinol, sulphinpyrazone và probenecid): Để điều trị tận gốc các hậu quả (gây các đợt viêm khớp cấp, gây sỏi thận, gây suy thận.) của căn bệnh này cần phải giảm bớt lượng acid uric máu bằng thuốc ức chế tổng hợp acid uric và/ hoặc các thuốc làm tăng thải acid uric ra ngoài. Các thuốc làm giảm acid uric đều đòi hỏi phải dùng liên tục nhiều năm vì đây chính là việc phòng ngừa bệnh tái phát.
    - Trong thời gian uống thuốc làm giảm acid uric máu, bệnh nhân cần uống nhiều nước để giúp thải acid uric qua đường tiểu được dễ dàng hơn.
    - Probenecid tăng thải acid uric qua đường nước tiểu.
    - Một số nhà khớp học chọn dùng probenecid vì ít gây tác dụng phụ hơn allopurinol. Probenecid có thể dùng ở đa số đàn ông bị gout, tuổi trung niên, khoẻ mạnh.
    - Chỉ định dùng allopurinol thay vì probenecid khi có suy thận (GFR <50 ml/phút), sỏi thận, đang uống aspirin (ức chế tác dụng của probenecid), sản xuất quá nhiều acid uric, và khi không đáp ứng với điều trị probenecid.
    - Probenecid có thể tương tác với một số thuốc khác.
    - Bệnh nhân dùng probenecid cần uống 2 lít nước mỗi ngày khi bắt đầu điều trị để bảo đảm đủ nước tiểu tránh nguy cơ sỏi thận.
    - Sulfinpyrazone tăng thải acid uric qua đường nước tiểu.
    - Sulfinpyrazone là một chất làm tăng bài tiết acid uric qua nước tiểu có tác dụng kháng tiểu cầu nhưng ít dùng vì nguy cơ ức chế tủy xương.
    - Allopurinol là thuốc rất thường dùng để giảm acid uric máu, vì thuốc ức chế tổng hợp acid uric.
    - Allopurinol ngăn chặn xanthine oxidase và làm giảm sản xuất acid uric. Do đó, nên được dùng ở các bệnh nhân sản xuất quá nhiều acid uric và bệnh nhân có nguy cơ hội chứng phân giải khối u (tumor lysis syndrome) để đề phòng ngộ độc thận trong khi đang điều trị ung thư. Đây là thuốc hiệu quả nhất để làm giảm lượng acid uric trong huyết thanh. Tuy nhiên, rượu có thể làm giảm hiệu quả của allopurinol.
    - Khoảng 3-10% bệnh nhân dùng allopurinol bị khó tiêu, nhức đầu, tiêu chảy hoặc nổi sẩn, mẩn ngứa. Hiếm gặp hơn là trường hợp phản ứng quá mẫn với allopurinol với tỉ lệ tử vong khoảng 20-30%. Các biểu hiện của phản ứng quá mẫn là sốt, hoại tử biểu bì nhiễm độc, suy tủy, tăng eosinophil, phản ứng bạch cầu, suy thận, suy gan, và viêm mạch máu. Corticoids thường được dùng trong trường hợp phản ứng quá mẫn. Phản ứng quá mẫn với allopurinol thường gặp ở bệnh nhân suy thận, bệnh nhân dùng lợi tiểu, và bệnh nhân khởi đầu bằng viên allopurinol hàm lượng 300 mg. Allopurinol cần được ngưng khi bệnh nhân nổi sẩn ngứa.
    - Trong đa số trường hợp nên bắt đầu bằng liều 100mg mỗi ngày và điều chỉnh liều mỗi tháng tuỳ theo mức acid uric cho đến khi đạt mục tiêu 5-6 mg/dl.
    - Lưu ý vấn đề tương tác thuốc, khi đang dùng Allopurinol
    - Cố gắng tránh sử dụng các kháng sinh nhóm Lactam (nhóm Penicillines, đặc biệt là Ampicilline và Amoxyclin) vì Allopurinol làm tăng khả năng dị ứng của các kháng sinh này lên nhiều lần).
    - Thận trọng khi dùng các thuốc ức chế men chuyển (đặc biệt là Captopril) vì thuốc này làm tăng khả năng dị ứng với Allopurinol.
    - Không nên dùng Corticosteroids và Aspirin dài ngày vì hai loại thuốc này ảnh hưởng không tốt đến bệnh và gây tăng acid uric máu.
    - Không dùng các thuốc lợi tiểu thiazide vì cản trở thải acid uric qua đường tiểu và tăng khả năng dị ứng Allopurinol.
    - Khi cần sử dụng thuốc hạ sốt người bệnh có thể dùng là Paracetamol.
    - Khi bị các viêm nhiễm cần điều trị kháng sinh, người bệnh nên báo cho bác sĩ biết mình đang dùng Allopurinol và các bác sĩ sẽ cho dùng kháng sinh thuộc các nhóm khác như: Erythromycine, Rovamycin, Tetracycline, Bactrim, Ciprofloxacine, Pefloxacin, Ofloxacin, Norfloxacin,.
    - Allopurinol có thể được dùng phối hợp với probenecid. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng allopurinol tăng thời gian bán hủy của probenecid và ngược lại, probenecid lại tăng đào thải allopurinol.
    - Các thuốc lợi tiểu khác, lợi tiểu đông nam dược đều có thể dùng. Các thuốc lợi tiểu thảo dược thường làm tăng lưu lượng dịch tới thận, tăng mức lọc cầu thận, làm kiềm hóa nước tiểu, không thải muối. nên thuận lợi cho việc thải acid uric, (đặc biệt là lá xakê). Có thể kết hợp với các thuốc này để tăng cường và củng cố kết quả điều trị. Nhiều trường hợp còn làm giảm bớt liều thuốc phải sử dụng

TIN TỨC KHÁC - Tình hình điều trị tăng Acid Uric máu - Tình hình nghiên cứu lâm sàng YHHĐ kết hợp YHCT điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt - Tình hình nghiên cứu YHCT điều trị sỏi hệ tiết niệu - Tình hình Y dược học cổ truyền nghiên cứu điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt - Nghiên cứu tác dụng của bài thuốc “Thăng thanh giáng trọc thang” trong điều trị bệnh nhân suy thận mạn
GIỜ KHÁM BỆNH

Tất cả các ngày trong tuần từ thứ hai đến chủ nhật
Sáng: từ 8h đến 11h30
Chiều: từ 1h30 đến 9h tối

HOTLINE: TIẾN SỸ NHẠN: 0913.031.374